Lượt xem: 1171

Cây dứa “bén duyên” trên vùng đất trũng phèn

Hơn 2 năm qua, nhiều bà con nông dân trên địa bàn xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú đã chuyển đổi diện tích trồng mía sang trồng dứa MD2 đem lại nguồn thu nhập tốt cho người dân. Theo đánh giá của hộ dân trồng dứa, cây dứa phù hợp với vùng đất trũng phèn của địa phương, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và đem về lợi nhuận cao hơn gấp vài lần cây mía. Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích trồng dứa MD2 tại xã Long Hưng là hơn 20 ha, tập trung hầu hết tại các ấp trên địa bàn xã.

 


Ông Trần Phi Hùng, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú bên vườn dứa MD2 cho thu nhập gần 200 triệu đồng/vụ. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Vườn dứa MD2 của ông Trần Phi Hùng, ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng (Mỹ Tú) được trồng ngay hàng thẳng lối, ruộng dứa xanh tốt, một số cây đang giai đoạn cho trái. Theo lời ông Hùng, trước đây toàn bộ diện tích đất để trồng dứa hơn 1 ha được ông trồng mía, do giá mía thấp, chi phí đầu tư canh tác tăng, nên khi có công ty cung cấp giống dứa MD2 trồng và thu mua lại trái, kể cả cây dứa giống, ông đã mạnh dạn phá bỏ vườn mía để trồng dứa.

    Ông Hùng chia sẻ: “So với các loại cây trồng khác, trồng cây dứa nhẹ công chăm sóc, chi phí không nhiều chỉ việc đầu tư cây giống, sử dụng một số loại phân hữu cơ theo hướng dẫn của công ty là cây phát triển tốt và không gặp các loại dịch bệnh. Trồng dứa vào thời điểm mùa nắng chỉ cần tưới nước 1 lần/tuần, còn mùa mưa thì không cần tưới nước mà phải làm các rãnh thoát nước mưa, tránh nước ngập lâu trên vườn dứa. Sở dĩ bà con nông dân mạnh dạn trồng cây dứa, bởi được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp huyện trong khâu liên kết, công ty bao tiêu đầu ra cho trái dứa và hỗ trợ nông dân về kinh phí để mua giống dứa. Điểm hay của công ty là liên kết với hộ dân bao tiêu sản phẩm từ trái dứa và cả cây dứa giống, góp phần tăng thu nhập cho hộ dân tham gia trồng dứa. Trong đợt thu hoạch dứa (tháng 6/2022) kèm với bán cây dứa giống, trừ chi phí tôi thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng/ha/đợt. Hiện tại, dứa đang tiếp tục phát triển tốt và đang cho trái đợt 2, hứa hẹn sẽ có vụ mùa dứa bội thu”.

    Đồng chí Nguyễn Hoàng Cơ - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, chia sẻ: “Năm 2020 huyện triển khai trồng cây dứa MD2 tại xã Long Hưng chưa tới 6 ha, nhưng đến thời điểm hiện tại thì diện tích dứa đã tăng lên trên 20 ha. Diện tích dứa tăng phần lớn là bà con nông dân thấy được lợi nhuận từ cây dứa đem lại cao gấp nhiều lần so với cây mía. Bên cạnh đó, cây dứa có ưu điểm là trồng một lần là có thể thu hoạch nhiều đợt, do số lượng cây non sinh sôi nảy nở nên dứa cứ cho trái hết đợt này đến đợt khác. Từ thực tế trồng dứa đem lại hiệu quả kinh tế, không chỉ xã Long Hưng mà tại xã Hưng Phú bà con cũng chuyển đổi đất trồng tràm, trồng mía sang trồng dứa MD2, với diện tích hơn 15 ha. Dự kiến trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền người dân tại các xã: Long Hưng, Hưng Phú và Mỹ Tú chuyển đổi đất mía kém hiệu quả sang trồng cây dứa MD2 và nâng diện tích dứa lên 400 ha (năm 2025)”.

    Đồng chí Liễu Nghĩa Tín - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng thông tin: “Trên địa bàn xã Long Hưng (Mỹ Tú) hộ dân có nguồn thu nhập chính là từ cây lúa, bên cạnh canh tác lúa, hộ dân còn trồng cây tràm, cây mía. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá bán mía, tràm không được tốt, cùng với đó là giá phân bón tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, kết hợp việc thuê mướn lao động gặp khó sau mỗi vụ thu hoạch; do đó, nhiều diện tích đất trồng mía, trồng tràm được bà con nông dân cải tạo để chuyển sang trồng cây dứa MD2. Sau khi được ngành chuyên môn tuyên truyền, vận động triển khai mô hình trồng dứa trên nền đất mía, sau 2 năm triển khai, mô hình đã lan tỏa đến bà con nông dân với diện tích hơn 35 ha, góp phần đem lại nguồn lợi nhuận tốt cho hộ dân tại địa phương. Đồng thời, cây dứa MD2 trồng tại các xã trên địa bàn huyện Mỹ Tú có công ty hợp đồng liên kết, bao tiêu đầu ra nên bà con yên tâm sản xuất, ước tính trồng 1 ha dứa MD2 cho thu nhập từ 180 - 222 triệu đồng/ha/đợt (12-18 tháng)”,

    Dứa được thị trường ưa chuộng dùng ăn tươi và chế biến thực phẩm, đồ uống tại các nhà máy và giá dứa bán khá cao trên thị trường. Tuy nhiên, để trồng được cây dứa thì phải tùy vào điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương. Do đó, khi bà con nông dân muốn phát triển trồng cây dứa thì cần tham khảo ý kiến của địa phương cùng ngành chuyên môn và nhất là phải được công ty, doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra cho trái dứa sau khi thu hoạch, khi đó bà con nông dân trồng dứa sẽ đảm bảo nguồn thu nhập và không lo về đầu ra cho sản phẩm.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 42
  • Hôm nay: 8018
  • Trong tuần: 78,725
  • Tất cả: 11,802,045